Đại cương Hội_chứng_ống_cổ_tay

Tổng quan

Biểu hiện của hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay được James Paget mô tả từ giữa thế kỷ 18. Đây là một rối loạn thần kinh ngoại vi thường gặp nhất, khoảng 3% người trưởng thành ở Mỹ có biểu hiện hội chứng này, cũng tại Mỹ, Hội chứng ống cổ tay là một trong những chấn thương thầm lặng liên quan đến công việc nhiều nhất, khiến hơn 2 triệu người phải khám bác sĩ hàng năm ở Mỹ. Tại Việt Nam, số người mắc bệnh này cũng tương đối cao. Hội chứng ống cổ tay là một trong các nguyên nhân gây tê tay, làm cho người bệnh rất khó chịu, có thể gây teo bàn tay. Bệnh thường gặp ở độ tuổi trên 35, phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới.

Phần đông các bệnh nhân hay than phiền về việc các ngón tay bị đau, tê rần xuất hiện sau một chấn thương vùng cổ tay hay cơn đau thấp khớp. Ðặc biệt người ta thấy hội chứng này xuất hiện vào giữa hay cuối thai kỳ của nhiều sản phụ. Nhiều tác nhân tại chỗ và toàn thân có liên quan đến sự phát triển hội chứng ống cổ tay. Những tác nhân này có thể gây chèn ép thần kinh giữa từ bên ngoài như chấn thương, hoặc từ bên trong như viêm bao hoạt dịch thứ phát từ các bệnh hệ thống như thấp khớp.

Những người lao động sử dụng nhiều cử động cổ tay và một số bệnh có thể gây nên hội chứng ống cổ tay. Người bị hội chứng này rất khó để cầm chắc đồ vật cũng như thực hiện các thao tác đòi hỏi sự phối hợp giữa bàn tay và ngón tay. Nó cũng gây khó khăn hơn cho các hoạt động phức tạp như viết lách, đánh máy và thường tập trung ở ngón tay trỏ và ngón giữa. Nó cũng có thể đặc biệt gây đau khi thức giấc vào buổi sáng do tay đã bị gập cả đêm.

Đối với phụ nữ có thai, mặc dù gây khó chịu nhưng hội chứng ống cổ tay không phải là một bệnh quá nghiêm trọng và thường giảm dần đến khỏi hẳn sau khi sản phụ sinh con được 1 - 2 tuần, lúc mà các hormone và chất dịch trong cơ thể đã trở lại bình thường. Rất hiếm khi vấn đề cần phải có sự can thiệp của y học. Nếu vẫn tiếp tục thấy tê rần các đầu ngón tay trong những tháng sau sinh thì một ca phẫu thuật giảm đau là cần thiết.

Hiện nay, nhiều người bị hội chứng ống cổ tay với cảm giác tê các ngón tay khi đi xe máy hoặc khi thức dậy buổi sáng, nhiều nhân viên văn phòng do làm việc với cường độ cao trên máy vi tính có cảm giác bị tê các ngón tay khi đi xe máy, đến mức làm rơi đũa ăn trong những bữa ăn. Cảm giác này khiến những bệnh nhân của hội chứng ống cổ tay cho rằng mình bị phong tê thấp và tìm đến những thang thuốc tây y và đông y để điều trị. Và khi những cách điều trị đó không thật sự có tác dụng và đến khi bệnh tiến triển nặng thì chịu tìm đến những thầy thuốc để khám và điều trị đúng cách.

Giải phẫu học

Cấu trúc thần kinh cổ tay

Về mặt giải phẫu học, ống cổ tay là khoảng trống ở giữa xương cổ tay và các dây chằng bao quanh các gân gấp của bàn tay. Thần kinh "Giữa" chui qua ống cổ tay cùng với các gân cơ. Thần kinh giữa là thần kinh hỗn hợp, vừa truyền cảm giác từ ngoại biên về trung ương vừa truyền mênh lệnh vận động từ trung ương đến các bắp thịt của ngón tay. Phạm vi của thần kinh giữa là các ngón tay cái, trỏ, giữa và nửa ngoài của ngón tay đeo nhẫn. Vì chui qua một ống hẹp giống như chui qua một đường hầm chật chội nên thần kinh giữa dễ bị chèn ép nếu các gân cơ bị sưng phù do đó gây ra các triệu chứng về cảm giác và vận động của các bắp thịt liên hệ.

Thần kinh giữa đi chung với những gân cơ gấp của các ngón tay trong ống cổ tay. Ống cổ tay được tạo bởi mạc giữ gân gấp và các vách chung quanh là bờ của các xương cổ tay. Chính vì nằm trong một cấu trúc không co giãn được nên khi có sự tăng thể tích của các gân gấp bị viêm (hay các tư thế gấp duỗi cổ tay quá mức và thường xuyên) thì sẽ tạo một lực chèn ép lên các mạch máu nuôi nhỏ đi sát bên dây thần kinh, gây ra tình trạng thiểu dưỡng. Lúc này sẽ xuất hiện triệu chứng tê bàn tay vì các sợi thần kinh cảm giác bị ảnh hưởng trước. Sau đó các nhánh vận động sẽ bị tác động tạo ra sự yếu hay liệt cơ mà nó chi phối.

Với thần kinh giữa thì gây teo cơ mô cái do liệt cơ đối ngón cái, yếu cơ gấp ngón cái ngắn do liệt nửa nông. Người bệnh cầm nắm đồ vật trong lòng bàn tay bị yếu, dễ rớt là vì thế. Nếu tình trạng chèn ép kéo dài sẽ làm tổn thương thần kinh không hồi phục. Ðiều này có nghĩa là dù có giải ép thì các cử động cầm nắm cũng không phục hồi trở lại được như ban đầu. Chính vì thế chỉ định phẫu thuật là tuyệt đối nếu bệnh nhân có tình trạng yếu liệt cơ gò cái để tránh tình trạng quá trễ không phục hồi hay tổn thương thêm của dây thần kinh giữa.

Với hội chứng ống cổ tay sau chấn thương, nguyên nhân có thể là sự hẹp lòng ống cổ tay do gãy lệch xương, như gãy đầu dưới xương quay; Trật khớp như trật xương bán nguyệt ra trước. Thể tích và chu vi ống cổ tay nhỏ lại khiến thần kinh giữa bị chèn ép. Lúc này không chỉ cắt mạc giữ gân gấp mà còn phải điều chỉnh lại khối can xương lệch hay bị trật thì mới hết chèn ép.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hội_chứng_ống_cổ_tay http://www.diseasesdatabase.com/ddb2156.htm http://www.emedicine.com/emerg/topic83.htm http://www.emedicine.com/orthoped/topic455.htm http://www.emedicine.com/pmr/topic21.htm http://www.emedicine.com/radio/topic135.htm http://www.icd9data.com/getICD9Code.ashx?icd9=354.... http://www.suckhoecongdong.com/benh-ly-roi-loan/74... //www.nlm.nih.gov/cgi/mesh/2021/MB_cgi?field=uid&t... http://apps.who.int/classifications/icd10/browse/2... http://vnexpress.net/gl/suc-khoe/2004/04/3b9d144b/